Nhiều nhà ngôn ngữ học cũng nêu lên con số thống kê: Hơn 60% từ vựng Việt Nam có nguồn gốc Hán.
Vậy phải chăng ai giỏi chữ Hán thì dùng từ Hán - Việt đều xác đáng? Chưa hẳn!
Mở đầu cuốn Hán - Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh viết: "Bỉ nhân khi mới nghiên cứu quốc văn, đã lấy sự không có từ điển làm điều rất khốn nạn...".
Ngày nay, từ khiêm xưng bỉ nhân rất xa lạ với người Việt. Còn để diễn tả tình trạng lúng túng khó khăn, chẳng ai dùng từ khốn nạn cả. Bộ tiểu thuyết Les Misérables của Victor Hugo, trước kia cũng có người dịch là Những kẻ khốn nạn, về sau phải chỉnh sửa thành Những người khốn khổ. Bởi lẽ, khốn nạn trong từ Hán - Việt không còn giữ nguyên ý nghĩa gốc Hán là "khó khăn, khổ sở" mà đã biến nghĩa và đổi cả mầu sắc tu từ: "hèn mạt, đáng khinh".
Cũng cần lưu ý rằng hàng loạt từ cực kỳ thông dụng mà không ít người cho rằng là từ thuần Việt, thực ra cũng mang gốc Hán: ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, thím, dì, áo, quần, bàn, ghế... Thế nhưng, ngôn ngữ Việt Nam không phải là ngôn ngữ Hán. Về căn bản, ngữ pháp Việt khác xa ngữ pháp Hán. Và trong quá trình vay mượn từ Hán, biến từ Hán thành từ Hán - Việt, dân tộc ta đã Việt hóa bằng nhiều cách.
Trước tiên là Việt hóa về mặt ngữ âm: từ Hán chuyển thành từ Hán - Việt được đọc theo âm Việt (thường gọi là âm Hán - Việt) theo một hệ thống quy luật nhất định. Để nắm rõ vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo sách Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1979). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến sự Việt hóa gốc Hán về các mặt kết cấu, ý nghĩa và mầu sắc tu từ.Thay đổi kết cấu
Từ Hán - Việt có nhiều thay đổi về mặt kết cấu nếu so với từ gốc Hán. Dễ thấy nhất là xu hướng rút gọn hàng loạt từ ghép thành từ đơn: văn (văn chương, văn học), chế (chế biến, chế tạo), lệnh (mệnh lệnh), đảm (đảm đương), hạn (kỳ hạn), hỗn (hỗn hào), điệu (yểu điệu), nghiệt (khắc nghiệt), v.v. Đã rút gọn thế rồi, người Việt lại phát triển thành từ ghép Việt Nam theo công thức: từ Việt + từ Hán. Theo đó, biết bao từ mới xuất hiện như: cảm mến, bao gồm, bày biện, bình bầu, biến đổi, bồi đắp, kỳ lạ, sống động...
Ngay cả những từ ghép mang gốc Hán hoàn toàn, khi trở thành từ Hán - Việt thì đã chuyển hóa vị trí. Người Trung Quốc viết động dao, còn người Việt là dùng dao động. Thí dụ về sự chuyển hóa vị trí như thế có rất nhiều: náo nhiệt (Hán: nhiệt náo), di chuyển (chuyển di), tố cáo (cáo tố), phóng thích (thích phóng), tướng mạo (mạo tướng), cứu vãn (vãn cứu), quyền lợi (lợi quyền), tiến cử (cử tiến)... Dĩ nhiên, chẳng phải từ ghép nào cũng có thể thay đổi vị trí. Điều này thường xảy ra trong trường hợp từ ghép được cấu tạo bởi hai từ đơn âm đồng nghĩa.
Lại có những từ ghép cũng hoàn toàn mang gốc Hán, song người Việt thay hẳn một yếu tố nào đấy để dùng riêng. Nếu Hán ngữ dùng hộ sĩ thì Việt Nam dùng hộ lý (ghi chú: trước kia ở Trung Quốc cũng có từ "hộ lý" nhưng dùng chỉ vị quan cấp dưới thay thế vị quan cấp trên để giải quyết công việc lúc quan cấp trên vắng mặt). Chúng ta dùng từ họa sĩ, song Trung Quốc dùng từ họa sư/họa công. Chúng ta dùng từ tường tận, song Trung Quốc dùng tường tế...Thậm chí, những kết cấu ngôn ngữ rất ổn định, rất bền vững là thành ngữ, thì cũng phải thay đổi lúc thành ngữ Hán trở thành thành ngữ Hán - Việt. Những từ nằm trong ngoặc đơn ở các thí dụ sau là gốc Hán: tác oai tác quái (tác uy tác phúc), khẩu Phật tâm xà (Phật khẩu xà tâm), du thủ du thực (du thủ hiếu nhàn), thập tử nhất sinh (cửu tử nhất sinh), an phận thủ thường (an phận thủ kỹ), thượng lộ bình an (nhất lộ bình an)...
Thay đổi ngữ nghĩa
Có thể nói rằng hầu hết từ ghép gốc Hán được nhân dân ta vay mượn thì đã thay đổi nghĩa hoặc ít hoặc nhiều. Với những từ ghép đa nghĩa, lắm khi chúng ta chỉ chọn một số ý nghĩa nào đấy mà thôi. Chẳng hạn từ phù phiếm, ta chỉ dùng nghĩa bóng (không thiết thực) mà không dùng nghĩa đen (ngồi thuyền dạo chơi). Hoặc từ bác sĩ thì gốc Hán gồm ba nghĩa: 1. Chỉ một chức quan được đặt ra từ đời Tần: ngũ kinh bác sĩ, quốc tử bác sĩ; 2. Chỉ người thành thạo một nghề gì: trà bác sĩ (người chuyên bán trà); 3. Chỉ học vị: Pháp học bác sĩ, y học bác sĩ. Thế nhưng, Việt Nam dùng từ bác sĩ với một nghĩa rất hẹp, chỉ người tốt nghiệp đại học y khoa (y học bác sĩ). Trong khi đó, tiếng Hán hiện đại lại có từ y sinh để chỉ thầy thuốc (bác sĩ).
Nhiều trường hợp, khi vay mượn từ gốc Hán, người Việt chủ động phát triển thêm một vài nghĩa không có trong tiếng Hán. Từ Hán đinh ninh vốn có nghĩa "dặn dò", lúc trở thành từ Hán - Việt thì có thêm nghĩa mới là "yên trí". Hoặc từ bồi hồi vốn có nghĩa "đi đi lại lại", người Việt còn hiểu là "bồn chồn, lòng dạ không yên".Táo bạo nhất là cách thay đổi toàn diện ý nghĩa: hình thức vay mượn, song ý nghĩa lại khác hoàn toàn. Như khôi ngô, từ Hán có nghĩa "to lớn", còn từ Hán - Việt lại có nghĩa "thông minh". Hoặc mê ly, từ Hán có nghĩa "mơ hồ, không rõ", từ Hán - Việt có nghĩa "rất hay, rất hấp dẫn". Hoặc lẫm liệt, từ Hán có nghĩa là "rét mướt", từ Hán - Việt có nghĩa "oai phong". Với những trường hợp này, sự Việt hóa đã đạt đến mức triệt để.Thay đổi mầu sắc tu từ
Thông thường, với hai từ đồng nghĩa (một từ Hán - Việt và một từ Việt), thì dùng từ Hán - Việt mang tính trịnh trọng hơn, hoặc văn hoa hơn. Thí dụ các cặp từ này: phụ nữ/đàn bà; nhi đồng/trẻ em; phu nhân/vợ; mẫu tử/mẹ con; trường thọ/sống lâu; từ trần/chết...
Tuy nhiên, có những từ Hán - Việt lại mang mầu sắc tu từ trái ngược so với từ gốc Hán. Đáo để vốn có nghĩa "đến cùng", song trong ngôn ngữ Việt Nam lại là "riết róng, đanh đá". Thủ đoạn chỉ có nghĩa "phương pháp, kỹ pháp", song đối với chúng ta thì đây là từ chỉ "mưu mẹo, mánh khóe" theo nghĩa xấu. Dã tâm trong tiếng Hán chỉ mang nghĩa "tham vọng", song biến thành từ Hán - Việt thì có nghĩa "lòng dạ hiểm độc". Trường hợp từ khốn nạn mà chúng tôi dẫn ở đầu bài này thì trong tiếng Hán chẳng mang sắc thái nào đặc biệt, nhưng với dân ta, đây lại là từ dùng để nhiếc móc, chửi rủa!
Qua những điều vừa nêu, bạn đọc đủ thấy rằng: Từ gốc Hán được Việt hóa để trở thành từ Hán - Việt không còn là... từ Hán. Đề tài này nếu được khai triển dưới nhiều góc độ khác, chắc chắn sẽ đem lại vô số điều thú vị và hữu ích cho công cuộc "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".
Võ Ngân Vương
(Tạp chí Tài hoa trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét